Hạng Mục Bảo Dưỡng Xe Ô Tô cấp 2 (10.000 km)

Bảo dưỡng cấp 2 tiến hành khi xe đã đi được 10.000 km hoặc sau mỗi 6 tháng tuỳ theo trường hợp nào đến trước. Việc bảo dưỡng ở thời điểm xe ôtô đã chạy được 10.000 km sẽ giúp chiếc xe hoạt động êm ái. Các hạng mục bảo dưỡng tại mốc 10.000 km của các hãng xe tại Việt Nam khá tương đồng nhau

Thay dầu và lọc dầu

Tất cả mẫu xe đều được nhà sản xuất khuyến cáo nên thay dầu và lọc dầu cùng lúc tại mốc bảo dưỡng 10.000 km. Hầu hết các loại lọc dầu được thiết kế kéo dài tuổi thọ tối đa 10.000 km, trong khi các loại dầu động cơ tùy theo hãng xe sẽ thay thế ở 5.000 km/lần hay 10.000 km/lần.

Ngoài ra, hầu hết các nhà sản xuất đều khuyến cáo người dùng xe thay thế dầu và lọc dầu động cơ sớm hơn nếu thường xuyên sử dụng xe dưới điều kiện khắc nghiệt, nhiều bụi bẩn, hoạt động ở tốc độ thấp thường xuyên hoặc chạy không tải ở thời gian dài, hoạt động ở vùng có nhiệt độ thấp, nhiệt độ cao hoặc thường xuyên hoạt động ở vùng đồi núi.

Vệ sinh lọc gió

Nếu dầu động cơ giúp vận hành nhẹ nhàng thì lọc gió sẽ giúp cung cấp khí nạp cho động cơ, kết hợp với nhiên liệu tạo nên hỗn hợp hòa khí, cung cấp sức mạnh cho xe.

Tuy nhiên sau 10.000 km, hầu hết các dòng xe sử dụng tại Việt Nam đều cần phải vệ sinh chi tiết này. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là từ môi trường và điều kiện vận hành nhiều khói bụi tại nước ta.

Lọc gió động cơ tương đối bền bỉ và có tuổi thọ dao động từ 20.000 – 40.000 km. Tuy nhiên các nhà sản xuất cũng khuyến cáo nên vệ sinh định kỳ và thay thế sớm hơn nếu sử dụng xe trong điều kiện bụi bẩn hoặc vùng biển nhiều cát.

Vệ sinh phanh trước, sau

Đất, cát thậm chí là đá dăm mắc kẹt bên trong hệ thống phanh, làm giảm hiệu quả phanh. Trên các dòng xe sử dụng hệ thống phanh đĩa mắc kẹt cát, đá có thể khiến má phanh bị xước, chai lì, thậm chí đĩa phanh có thể bị vênh, hư hại nghiêm trọng. Do đó, trong lần bảo dưỡng ở 10.000 km cần vệ sinh hệ thống phanh trước, sau.
Ngoài ra, bảo dưỡng hệ thống phanh tại mốc 10.000 km còn bao gồm kiểm tra hành trình phanh tay, dầu phanh, hệ thống ống dẫn… nhằm phát hiện các sự cố rò rỉ, có thể gây nguy hiểm cho người lái cũng như hành khách khi vận hành xe.

Kiểm tra hệ thống điện

Sự hao mòn tự nhiên ở các chi tiết như bình ắc quy hay bugi đánh lửa ở 10.000 km đầu là không đáng kể. Tuy nhiên, cần kiểm tra để chắc chắn chúng hoạt động ổn định và dao động ở mức cho phép.
Hệ thống đường dây điện trên ôtô cũng cần được kiểm tra xem có bị đứt rời hoặc bị gặm nhấm vì có thể dẫn đến một số chức năng hoạt động không chính xác hoặc ngừng hoạt động cho mất nguồn cấp điện.

Vệ sinh lọc gió điều hòa

Trên các dòng xe được trang bị lọc gió điều hòa, nhà sản xuất cũng khuyến cáo vệ sinh chi tiết này tại 10.000 km. Tương tự lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa cũng tích tụ nhiều bụi đất, thậm chí là xác côn trùng chết và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Kiểm tra lốp và đảo lốp

Mốc 10.000 km cũng là thời điểm phù hợp tiến hành đảo lốp xe, giúp sử dụng lốp hiệu quả hơn, tránh được hiện tượng mòn không đều của lốp xe. Ngoài ra, kiểm tra lốp cũng giúp phát hiện các trường hợp lốp xe bị phù, nứt hoặc rộp do quá trình sử dụng. Đây là các sự cố về lốp, và có thể gây nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời.

Các hạng mục bảo dưỡng khác

Ngoài các hạng mục chính, còn có các hạng mục bảo dưỡng phụ tại mốc 10.000km. Chủ yếu là các kiểm tra bằng cảm quan hoặc đo đạc bằng thiết bị chuyên dụng.
Kiểm tra bằng cảm quan chủ yếu là các chi tiết bên dưới nắp capo nhằm phát hiện sự rò rỉ hay thiếu hụt của các bình chứa như dầu trợ lực lái, nước làm mát, nước rửa kính, dầu phanh…

Kiểm tra bằng đo đạc có thể kể ra như hành trình chân phanh, chân ga, các khớp nối hoặc chốt giữ, các đèn tín hiệu, trang bị hỗ trợ vận hành… Ngoài ra, một số hãng xe còn bổ sung hạng mục kiểm tra khung gầm và thân xe, đồng thời siết gầm và các đai ốc nếu cần thiết.

HYUNDAI PHÚ YÊN
– Kinh doanh: 033 8320 888
– Dịch vụ: 0796 644 777
– Showroom: QL1A – Thôn Phú Vang – Xã Bình Kiến – TP Tuy Hòa
– Website: https://hyundai-phuyen.vn/
#hyundai #HyundaiPhuYên #Stargazer #giaoxemoi

Contact Me on Zalo